Câu hỏi: Trước khi ba mất có dặn chúng con rằng phải để hài cốt thờ cúng tại nhà. Bây giờ chị em con có ý định đem tro đi rải. Con không biết có nên không?
Trả lời: Đây là vấn đề rất tế nhị. Thông thường đức Phật khuyên chúng ta nên tôn trọng nguyện ước của ngưới quá cố. Do có nhiều người bám chắc vào lời nguyện ước cuối đời của mình mà tiến trình tái sinh diễn ra muộn và trở ngại hơn khi biết rằng nguyện ước của họ không được con cháu thực hiện, dù sau 49 ngày tất cả đều phải tái sinh, không thể tiếp tục tồn tại trong cảnh giới trung gian ngạ quỷ được. Về phương diện tình người và luật pháp thì lời nguyện ước đó được ghi nhận là một di chúc có công chứng bởi luật sư, hoặc lời nguyện ước được thu âm, được viết tay,…thì đó vẫn là lời nguyện ước. Nếu nguyện ước này không đi ngược lại với các bộ luật ở nơi mà người đó đã sinh sống thì con cháu nên tuân thủ và làm theo như một niềm tôn kính, quý trọng dành cho người quá cố.
Trường hợp người cha quá cố đó muốn để tro cốt tại nhà, mà ông ấy là một công dân của nước Pháp, Mỹ hay những nước phương Tây nói chung, trong khi có một số nước phương Tây không cho phép để hài cốt tại nhà, thì nguyện ước đó dù thế nào đi nữa ta cũng không nên làm theo vì phạm luật. Những người con người cháu là Phật tử thuần thành nếu hiểu được văn hóa tống táng của đạo Phật là thiêu, sau khi thiêu rải tro cốt xuống sông nước hay dưới lòng đất thì việc làm đó là đáng khích lệ. Sở dĩ đức Phật khích lệ như thế vì đức Phật biết rất rõ con người dễ bám chấp vào thân này. Thân này có mặt với mình từ trong bào thai và lớn lên nên ta đã sở hữu hóa, đẳng thức hóa thân này là chính mình và ta dễ bám vào nó ngay giờ phút lìa đời. Do đó, thiêu để khi tâm thức còn luyến tiếc sẽ không thể nhìn thấy được thân thể nữa nên mới rũ bỏ. Còn nhìn thấy là còn vướng mắc, còn luyến tiếc.
Tuy nhiên người Phật tử cũng nên nhớ trong học thuyết bố thí có một khái niệm rất hay là bố thí nội tài. Nội tài là tài sản bên trong, được hiểu theo Phật học là lục phủ ngũ tạng, tức là nội tạng và toàn bộ cơ thể này. Nó tương đương vói 2 khái niệm ngày nay là hiến tạng và hiến xác cho khoa học, thay vì đem thiêu thì rất uổng vì y khoa ngày nay cần rất nhiều tạng phủ và thân thể của người chết để cứu người sống. Có nhiều người chết do tai nạn giao thông nên tạng phủ của họ vẫn còn rất tốt có thể cứu sống được 5-7 người, người Phật tử có thể vận dụng học thuyết bố thí nội tài để dăng ký hiến tạng hoặc tốt hơn nữa là hiến xác cho khoa học.
Trường hợp hiến tạng thì chỉ có lục phủ ngũ tạng được cơ sở y khoa do nhà nước ở các nơi chấp nhận sử dụng lưu trữ trong ngân hàng nội tạng để đáp ứng cho những người có nhu cầu, sau đó thi thể sẽ được giao trả cho người thân. Trường hợp hiến xác cho khoa học thì cả lục phủ ngũ tạng và thi thể sẽ được phục vụ cho y khoa. Thi thể đó sẽ được mổ xẻ trong vòng 3 năm. Kết thúc 3 năm đó, đơn vị y khoa được ta hiến tạng hiến xác sẽ báo cho người thân. Người thân có thể đem thi thể đó về để làm lễ hỏa thiêu. Trong trường hợp không còn người thân hoặc người thân từ chối tiếp nhận thì các cơ quan tiếp nhận hiến tạng hiến xác này sẽ làm lễ tri ân và hỏa thiêu. Sau đó tro cốt còn lại được rải xuống lòng đất hay sông biển…
Như vậy, người hiểu đạo Phật, nhất là thực tập được vô ngã không còn luyến tiếc về tài sản đối với cơ thể này thì ta nên mạnh dạn phát tâm hiến tạng và hiến xác. Đó là cách ta biến thi thể vô dụng này có được cơ hội phục vụ mạng sống cho những người khác. Và đây cũng là cách giúp ta tái sanh nhanh hơn bình thường vì không còn luyến tiếc nữa. Đối với những người tu Tịnh độ mong vãng sanh Tây phương thì đây chính là yếu tố giúp ta tăng trưởng thêm một phần công đức và một phần nhân duyên tốt để có thể đạt được cơ hội như mình đã mong muốn. Do đó, trong tình huống câu hỏi này, Thầy thấy việc đem hài cốt đó thả xuống sông hay làm phân bón cho các cây là hoàn toàn phù hợp với văn hóa Phật giáo, mặc dù ngược lại với nguyện vọng của người cha nhưng vẫn không sao, vì việc làm đó tốt hơn nguyện vọng của người cha.
Nhưng nếu nguyện vọng tốt, mà người thực hiện làm tệ hơn thì người đó có lỗi bởi vì không phải người cha người mẹ nào cũng hiểu thấu đáo lời Phật dạy về văn hóa tống táng của đức Phật. Vậy nên, tùy tình huống, phối hợp kiến thức luật pháp, văn hóa của đạo Phật và lời nguyện ước là di chúc cuối đời của người quá cố mà ta có thể chọn một quyết định được xem là hữu ích nhất và có giá trị nhất.
Thượng tọa Thích Nhật Từ
(Giảng tại chùa Hoa Nghiêm, Pháp, ngày 12/07/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét