Bài giảng của Linh mục Nguyễn Thiết Thắng: RẢI TRO CỐT RA BIỂN HAY ĐỂ TRONG NHÀ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

RẢI TRO CỐT RA BIỂN HAY ĐỂ TRONG NHÀ CÓ ĐƯỢC KHÔNG ? - Bài giảng ý nghĩa của Linh mục Nguyễn Thiết Thắng



Hỏa táng, Thánh lễ an táng với tro cốt, lưu trữ tro cốt, rải tro cốt


Liên quan tới các tín hữu Công giáo đã qua đời, một số câu hỏi được đặt ra: 

1. Có được phép hỏa táng? 

2. Có được phép cử hành Thánh lễ an táng với tro cốt? 

3. Có được phép lưu trữ tro cốt ở trong gia đình? 

4. Có được phép rải tro cốt xuống biển, xuống sông?

1. Có được phép hỏa táng?

“Hỏa táng” hay còn được gọi vắn gọn là “thiêu”. 

Hỏa táng không phải là điều mới lạ trong lịch sử nhân loại. Hơn nữa, đôi khi nó gắn liền với một nền văn hóa, tôn giáo nào đó. Chẳng hạn tại Ấn Độ, hỏa táng đã có từ lâu đời. 

Theo Cựu Ước, người Do Thái có truyền thống chôn cất người chết chứ không hỏa táng, mặc dù họ chưa có quan niệm rõ rệt về số phận con người sau khi chết. Tuy nhiên, Cựu Ước cũng đề cập tới việc Thiên Chúa chấp nhận hỏa táng như một cách để bảo vệ di cốt của người đã qua đời. Chẳng hạn, trường hợp của Vua Sau-lê và các con trai của ông (x. 1Sm 31,8-13). Vua Sau-lê bị bại trận cùng với các con ông và nhiều binh lính. Kẻ thù đã làm nhục xác vua, khi chúng nhận ra. Những người Do Thái can đảm đã tiến lên dành lại các thi hài hoàng gia. Họ hỏa thiêu các thi hài đó và cất giấu tro cốt. Sau đó, họ long trọng an táng vua tại một nơi xứng đáng. Khi biết rõ về những người đã dành lại, gìn giữ và an táng di cốt Vua Sau-lê, Vua Đa-vít đã chúc lành cho họ (x. 2Sm 2,5-7). 

Vào thời Chúa Giê-su, tục lệ chôn cất người chết đã trở nên phổ biến ở Palestina. Theo bốn Tin Mừng, sau khi Chúa Giê-su tử nạn trên thập giá, các môn đệ đã hạ xác Ngài khỏi thập giá và mai táng trong huyệt đá. Sau này, các Ki-tô hữu, dù là gốc Do Thái hay ngoại giáo, đã duy trì việc mai táng người chết, một đàng có lẽ vì muốn bắt chước việc táng xác Thầy của mình, và đàng khác cũng muốn biểu lộ niềm tin vào việc thân xác sống lại theo lời Đức Ki-tô đã hứa. Các Ki-tô hữu tại Rô-ma cũng như tại các nơi khác đã tậu đất để lập nghĩa trang riêng. Trong tiếng Latin, “nghĩa trang” được gọi là “coemeterium”, gốc bởi tiếng Hy Lạp “coimeterion”: nơi an nghỉ, chờ ngày phục sinh. Các tín hữu năng lui tới các nghĩa trang này, được coi là “đất thánh”, không những để tưởng nhớ người chết mà còn để cầu nguyện, cử hành phụng vụ, biểu dương niềm tin và hy vọng phục sinh. Như vậy, tục lệ an táng người chết không chỉ đơn thuần là một vấn đề văn hóa, nhưng còn gắn liền với niềm tin Ki-tô giáo.

Tại Âu châu, trong suốt thời Trung cổ, không ai đòi xét lại vấn đề chôn cất người chết. Mặt khác, phụng vụ đã có nghi thức không những để cầu nguyện cho người quá cố, mà còn có lễ nghi an táng, bắt đầu từ khi tẩm liệm nhập quan cho đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Từ khi nào người ta đòi xét lại vấn đề an táng người chết và thay thế bằng việc hỏa thiêu?

Thật ra, vào thời Trung cổ, đôi khi người ta cũng hỏa thiêu người chết, chẳng hạn khi dịch tễ xảy ra, nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Tại Âu châu, do ảnh hưởng của các nhóm Tam điểm, nhiều phong trào đã được thành lập để cổ động cho việc hỏa táng. Ngày 15 tháng 11 năm 1887, Quốc hội Pháp biểu quyết đạo luật cho phép các công dân được tự do lựa chọn giữa việc mai táng hay hỏa thiêu. Hai năm sau đó, khi đạo luật có hiệu lực, một lò hỏa thiêu đã được khai trương tại nghĩa trang thành phố Paris.

Phản ứng của Giáo hội đối với việc hỏa táng thế nào? Vào cuối thế kỷ XIX, cụ thể là vào ngày 19 tháng 3 năm 1886 Bộ Thánh Vụ (nay là Bộ Giáo lý Đức tin) đã ban hành nghị định cấm các tín hữu không được gia nhập những tổ chức phổ biến việc hỏa táng. Hai năm sau, vào ngày 15 tháng 12 năm 1886, một nghị định khác có hiệu lực đã quy định: phạt người nào tự nguyện chấp nhận hỏa táng thân xác của mình sẽ không được an táng theo lễ nghi tôn giáo. Ngày 27 tháng 7 năm 1892, một nghị định nữa bổ sung thêm vài chi tiết ngăn cấm việc hỏa táng (nới rộng ra cả người làm cố vấn kỹ thuật cho việc hỏa táng). Sở dĩ Bộ Thánh Vụ đã có những biện pháp khắt khe như vậy là vì các nhóm Tam Điểm, khi cổ võ việc hỏa thiêu, họ phủ nhận niềm tin và hy vọng phục sinh.

Bộ Giáo Luật 1917, kỷ luật ngăn cấm vẫn còn được duy trì ở điều 1203. Thêm vào đó, ai tình nguyện để cho xác mình hỏa táng sẽ bị phạt không được an táng theo nghi thức tôn giáo. 

Mãi tới giữa thế kỷ XX, kỷ luật của Giáo hội mới có thay đổi. Nhận thấy nhiều người đã chọn việc hỏa táng không phải vì lý do bài trừ tôn giáo, vì vậy ngày 8 tháng 5 năm 1963, Bộ Thánh Vụ đã ban hành một nghị định mới như sau: “Cần phải cố gắng duy trì tục lệ an táng người chết. Những điều ngăn cấm việc hỏa táng được bãi bỏ, trừ khi nào đã rõ là đương sự đã chọn lựa hỏa táng vì chối bỏ các tín điều Công Giáo, hay vì lòng thù ghét khích bác Giáo hội. Để khỏi làm suy giảm sự gắn bó của các Ki-tô hữu đối với việc an táng, những nghi thức dành cho việc an táng và các kinh nguyện kế tiếp sẽ không bao giờ được cử hành tại nơi hỏa táng. Và cũng sẽ không tháp tùng thi hài ra đến nơi hỏa táng”.

Hậu Công đồng Vaticanô II, kỷ luật của Giáo hội về vấn đề này đã có thêm một bước tiến mới. Năm 1969, trong Nghi thức an táng (Ordo exsequiarum), Giáo hội cho phép cử hành lễ nghi an táng cho những người tín hữu nào đã chọn việc hỏa táng không phải vì những lý do trái nghịch với Kitô giáo. Và những nghi thức được cử hành tại nhà nguyện nghĩa trang hay tại huyệt thì có thể được cử hành tại nơi hỏa thiêu, hay tại lò hỏa thiêu (Dẫn nhập, Praenotanda, số 15). Hơn nữa, Bộ Giáo Luật năm 1983 điều 1176, khoản 3, nói như sau: “Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào việc hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Ki-tô giáo”. 

Huấn thị Ad Resurgendum Cum Christo về việc mai táng và lưu giữ tro hỏa táng do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 15 tháng 8 năm 2016 nói như sau: “Trong trường hợp chọn cách thức hỏa táng vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, phải chắc chắn việc này không làm trái với ý muốn đã được nói rõ hoặc có thể suy diễn được của người tín hữu vừa qua đời. Hội Thánh không phản bác thực hành này trên bình diện giáo thuyết, vì việc hỏa táng không tác động gì đến linh hồn, cũng không gây cản trở gì trong việc Thiên Chúa toàn năng làm cho thân xác kẻ đã chết được sống lại trong đời sống mới. Như thế, việc hỏa táng, tự bản chất, không hàm chứa sự chối bỏ khách quan đối với giáo thuyết Kitô giáo về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác” (số 4). Hơn nữa “Hội Thánh đồng hành với các tín hữu khi họ chọn việc hỏa táng, và đưa ra những chỉ dẫn về phụng vụ và mục vụ, đặc biệt lưu ý đến việc tránh tất cả những hình thức gây gương mù hoặc thể hiện sự bất cần tôn giáo” (số 4).

2. Có được phép cử hành Thánh lễ an táng với tro cốt?

Năm 1977, Bộ Phụng tự đã chính thức giải đáp vấn nạn này. Theo Bộ Phụng tự, trong nghi thức an táng với sự hiện diện của thân xác, Giáo hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác, vốn đã được thánh hóa nhờ bí tích Rửa Tội, và trở nên đền thờ của Thánh Thần, tro cốt của người qua đời không còn bộc lộ được dấu hiệu đó nữa, do đó không thể dành cho tro cốt những nghi thức dành cho thân xác, tựa như xông hương. 

Vì vậy, không thể cử hành Thánh lễ an táng cũng như không thể cử hành nghi thức tiễn biệt cho người đã qua đời với tro cốt. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng (dịch bệnh, hoặc người đã qua đời mắc bệnh truyền nhiễm cần phải hỏa táng trước khi mang tới nhà thờ cử hành Thánh lễ), có thể cử hành lễ cầu hồn (bản văn dành cho lễ cầu hồn chứ không phải là bản văn dành cho lễ an táng) với tro cốt của người đã qua đời. Sau Lời nguyện hiệp lễ, không cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt, nhưng có thể xông hương, rảy nước thánh lên quan tài đựng tro cốt, đọc kinh, hát thánh ca và cầu nguyện cho người đã qua đời. 

3. Có được phép lưu trữ tro cốt ở trong gia đình?

Giáo hội không cho phép giữ tro cốt hỏa táng trong gia đình, trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Thời nay, nhiều gia đình vì lý do sống phân tán, mỗi người sống một phương, nhất là có người ở hải ngoại có người ở trong nước, nên họ muốn phân chia tro hỏa táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, nhưng xin nhắc lại, điều này vẫn không được Giáo hội cho phép. Về vấn đề này, Bộ Giáo lý Đức tin đã giải đáp một cách rất rõ ràng trong Huấn thị Ad Resurgendum Cum Christo về việc mai táng và lưu giữ tro hỏa táng, số 5-6 như sau:  

“Nếu chọn cách thức hỏa táng vì những lý do chính đáng, tro hỏa táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo hội.

Việc lưu giữ tro hỏa táng tại môt nơi thiêng thánh, giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên trong lời cầu nguyện và tưởng nhớ của gia đình cũng như của cộng đoàn Ki-tô hữu. Cách thức này vừa giúp tránh được thái độ lãng quên hoặc thiếu lòng hiếu kính đối với người quá cố, điều vẫn có thể xảy ra, nhất là sau khi thế hệ kế cận của người ấy cũng đã qua đi, vừa giúp ngăn ngừa những thực hành không phù hợp hoặc pha lẫn mê tín dị đoan.

Vì những lý do kể trên, không được phép lưu giữ tro hỏa táng tại tư gia. Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng và ngoại lệ, tùy thuộc vào các điều kiện văn hóa địa phương, vị Giám mục thường quyền, với sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục hoặc Thượng Hội đồng Giám mục các Giáo hội Đông phương, mới có thể cho phép lưu giữ tro hỏa táng tại tư gia. Tuy nhiên, không được phép phân chia tro hỏa táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, và phải luôn giữ thái độ trọng kính xứng hợp trong việc lưu giữ tro hỏa táng như thế”.

4. Có được phép rải tro cốt xuống biển, xuống sông?

Vấn nạn này cũng đã được Bộ Giáo lý Đức tin giải đáp một cách rất rõ ràng trong Huấn thị Ad Resurgendum Cum Christo về việc mai táng và lưu giữ tro hỏa táng, số 7-8 như sau:  

“Để tránh những hình thức mang tính cách phiếm thần thuyết, thiên nhiên thuyết và hư vô thuyết, không được phép vung tro hỏa táng lên không, rải trên mặt đất, đổ xuống sông biển, hay làm cách thức nào khác, cũng không được giữ tro hỏa táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Những cách làm này không thể biện minh bằng những lý do được viện dẫn để hỏa táng như vệ sinh, xã hội hay kinh tế.

Trong trường hợp người quá cố bày tỏ công khai ý muốn phải được thiêu xác và tro hỏa táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Ki-tô giáo, không được cử hành nghi lễ an táng Ki-tô giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định”.

Như vậy, đối với những ai công khai bày tỏ ý muốn phải được thiêu xác và tro hỏa táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Ki-tô Giáo, Giáo hội có quy định rất nghiêm khắc, “không được cử hành nghi lễ an táng Ki-tô Giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định” (Bộ Giáo luật, điều 1184).

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ
Trưởng Uỷ ban Phụng Vụ

Trích “Nội san Nhà Chung” – Số 1, tháng 02/2024

https://www.tonggiaophanhanoi.org/hoa-tang-thanh-le-an-tang-voi-tro-cot-luu-tru-tro-cot-rai-tro-cot/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét